1/ Thế nào là tư duy?
Trong cuộc sống, chúng ta sử dụng khá nhiều từ "tư duy". Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được định nghĩa của "tư duy". Tư duy là từ dùng để chỉ những hoạt động của tinh thần, đem những cảm giác sửa đổi và cải tạo thế giới thông qua hoạt động vật chất, làm cho con người có nhận thức đúng đắn về sự vật xung quanh và đưa ra cách ứng xử với các sự vật, sự việc đó. Dưới góc độ sinh lý học, tư duy được biết đến là một hình thức hoạt động của hệ thần kinh thể hiện qua việc tạo ra những liên kết giữa các phần tử đã ghi nhớ, chọn lọc và kích thích chúng hoạt động để thực hiện sự nhận thức về thế giới xung quanh, từ đó định hướng cho hành vi phù hợp với tình huống thực tế. Dưới góc độ tâm lý học, tư duy là một quá trình tâm lý phản ánh những thuộc tính, bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan.
Quá trình này có một mức độ nhận thức cao hơn so vơi cảm giác và tri giác. Khác với các giác quan, tư duy phản ánh những thuộc tính bên trong, bản chất những mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của sự vật, hiện tượng. Quá trình phản ánh này mang tính gián tiếp và khái quát, nảy sinh trên cơ sở hoạt động thực tiễn, từ sự nhận thức cảm tính nhưng vượt xa giới hạn của nhận thức cảm tính. Quá trình tư duy bao gồm nhiều giai đoạn, từ khi cá nhân gặp những tình huống có vấn đề và nhận thức vấn đề, đến khi đưa ra cách giải quyết vấn đề. Đó là các giai đoạn: Tiếp nhận vấn đề, xuất hiện và sàng lọc cách giải quyết, giải quyết nhiệm vụ tư duy.
2/ Đặc điểm của tư duy
- Tính có vấn đề của tư duy
Tính "có vấn đề" là đặc điểm quan trọng của tư duy. Không phải bất kì hoàn cảnh nào cũng xuất hiện tư duy. Thực tế, tư duy chỉ nảy sinh khi chúng ta gặp tình huống "có vấn đề". Đây là tình huống chưa có đáp án, nhưng đáp số đã tiềm ẩn bên trong hoặc tình huống chứa điều kiện giúp ta tìm ra đáp số. Lúc này, những hiểu biết cũ hay những phương pháp hành động cũ tuy còn cần thiết song đã không có đủ sức để giải quyết tình huống này. Tuy nhiên, không phải tình huống "có vấn đề" nào cũng kích thích được hoạt động tư duy. Muốn kích thích tư duy thì tình huống có vấn đề phải được cá nhân nhận thức đầy đủ, trở thành nhiệm vụ tư duy của cá nhân. Điều này được hiểu là cá nhân xác định được cái gì đã biết, cái gì chưa biết, cần phải tìm và có nhu cầu tìm ra đáp án. Chỉ có dựa trên cơ sở này thì tư duy mới xuất hiện. Tính "có vấn đề" của tư duy là tính chất cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình tư duy. Không có hoàn cảnh có vấn đề thì quá trình tư duy không thể hình thành và phát triển được. Ví dụ Để giải một bài toán mới, học sinh phải nhận thức được những dữ kiện và yêu cầu của đề bài. Từ đó mới nhớ lại các công thức, định lý liên quan, xâu chuỗi chúng lại và tìm cách vận dụng chúng để tìm ra đáp án của bài toán. Như vậy thì tư duy mới xuất hiện.
- Tính gián tiếp của tư duy
Tư duy con người không nhận thức thế giới một cách trực tiếp mà nhận thức một cách gián tiếp. Tính gián tiếp của tư duy được thể hiện trước hết ở việc con người phải biết sử dụng ngôn ngữ. Nhờ có ngôn ngữ mà con người sử dụng các kết quả nhận thức (quy tắc, khái niệm, công thức, quy luật,...) và kinh nghiệm của bản thân vào quá trình tư duy (phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát,...) để nhận thức được bản chất của sự vật, sự việc. Nhờ có tính gián tiếp mà tư duy của con người đã mở rộng không giới hạn khả năng nhận thức của con người, có thể giúp con người có được những phán đoán mang tính khoa học với những sự vật, hiện tượng xảy ra trong cả quá khứ và tương lai. Ví dụ: Dự báo thời tiết, dự báo khí hậu, dự báo tình hình phát triển kinh tế,...
- Tính trừu tượng và khái quát
Trừu tượng là việc con người dùng trí óc để giữ lại những yếu tố quan trọng cho tư duy, đồng thời gạt bỏ đi những thứ không cần thiết. Khái quát là dùng tri thức hợp nhất những đối tượng khác nhau vào trong cùng một nhóm, dựa trên những thuộc tính, đặc điểm giống nhau.
Trừu tượng và khái quát của tư duy có mối liên hệ mật thiết với mức độ cao, không có trừu tượng thì con người không thể bắt đầu tiến hành khái quát, có trừu tượng mà không có khái quát thì hạn chế về quá trình tiếp nhận sự hiểu biết về vấn đề, sự vật và hiện tượng,... Nhờ có tính trừu tượng và khái quát của tư duy con người không chỉ giải quyết được những nhiệm vụ hiện tại mà có thể giải quyết được những nhiệm vụ của tương lai. Ví dụ: Nói về khái niệm "cái cốc", con người trừu xuất những thuộc tính không quan trọng như chất liệu, kiểu dáng mà chỉ giữ lại những thuộc tính cần thiết như: hình trụ, tính năng của cái cốc. Đó là trừu tượng.
- Tư duy gắn liền với ngôn ngữ
Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng, là công cụ để diễn đạt kết quả của quá trình tư duy. Vì vậy, để chủ thể và người khác tiếp nhận kết quả của quá trình tư duy như dự đoán, khái niệm,... về các sự vật, sự việc thì cần phải có ngôn ngữ. Ngôn ngữ mà chúng ta đang sử dụng hiện nay cũng chính là kết quả của quá trình phát triển tư duy lâu dài trong lịch sử nhân loại. Nếu không có tư duy thì ngôn ngữ không thể xuất hiện và nếu không có ngôn ngữ thì quá trình tư duy sẽ không được thể hiện ra ngoài. Ví dụ: khi tư duy bài toán thì phải sử dụng các công thức, kí hiệu, khái niệm được biểu hiện dưới dạng ngôn ngữ.
3/ Vai trò của tư duy
Kỹ năng tư duy đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Tư duy giúp con người nhận thức được quy luật khách quan, từ đó có thể dự đoán một cách khoa học xu hướng phát triển của các sự vật, sự việc, đồng thời có kế hoạch, phương pháp cải tạo hiện thực khách quan. Ngoài ra, tư duy giúp con người thu thập, phân tích và sử dụng thông tin một cách hữu ích, đưa ra phương hướng phù hợp để giải quyết vấn đề và phát triển bản thân.
4/ Cách phát triển tư duy
Trong cuộc sống, việc dạy trẻ tư duy bậc cao cũng quan trọng như cách dạy trẻ tập đi, tập nói. Làm thế nào để trẻ biết cách tư duy sáng tạo, rèn luyện khả năng tư duy khi gặp những vấn đề mới thay vì dạy cho trẻ suy nghĩ theo lối mòn, học thuộc những kiến thức cũ rích. Bởi thế giới luôn thay đổi và phát triển, nếu tư duy không phát triển thì không thể thích nghi với sự biến động của xã hội.
Khả năng suy nghĩ và mở rộng vấn đề chính là kỹ năng tư duy bậc cao. Điều này không sinh ra một cách tự nhiên mà nó xuất hiện trong quá trình học tập và rèn luyện. Trí thông minh bẩm sinh của mỗi người là khác nhau, nhưng khả năng tư duy bậc cao có thể phát triển thông qua quá trình con người suy nghĩ logic, sáng tạo, biết giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định cũng như có những ý tưởng mới, khả năng xử lý, phân tích thông tin và lên kế hoạch cho tương lai của mình. Như vậy, phát triển tư duy cần phải gắn liền với thực tiễn và thực hành.
Một số cách có thể phát triển tư duy mỗi ngày:
- Xử lý thông tin: Tìm những thông tin có liên quan, xâu chuỗi và sắp xếp có hệ thống để tiếp nhận thông tin hiệu quả nhất.
- Đánh giá vấn đề: Học cách áp dụng các tiêu chí, xây dựng tiêu chí đánh giá các thông tin được tiếp nhận.
- Lập luận: Rèn luyện khả năng đưa ra ý tưởng mới, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và đổi mới
- Đặt câu hỏi: Luyện tập khả năng đặt câu hỏi, lật ngược vấn đề là cách để phát triển tư duy bậc cao hơn mà mỗi người nên luyện tập để mở rộng vấn đề.
Xem thêm 9 phương pháp rèn luyện, phát triển tư duy...
- Facebook: https://www.facebook.com/abcxyzz
- Phone Number: 094xxxxxxx
- Zalo:: 094xxxxxx